Hồi Ức Kẻ Sát Nhân Hay Sự Bất Lực Và Ăn Năn?
Góc nhìn của một đạo diễn trẻ về kiệt tác của đạo diễn Bong Joon Ho
- 01
Ảnh: Allkpop
Năm 2020, Hàn Quốc đã có một cột mốc đáng tự hào về nền điện ảnh nước nhà: bộ phim Ký Sinh Trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon-ho thắng 4 giải thưởng lớn tại Oscar. Trong cùng thế hệ với đạo diễn Park Chan-wook (nổi tiếng với Oldboy) và Kim Ki-duk (nổi tiếng với Xuân Hạ Thu Đông Rồi Lại Xuân), đạo diễn Bong Joon-ho lại thể hiện thế mạnh của mình ở thể loại tội phạm và hài kịch đen (dark humor). Trong một đoạn hội thoại với Park Chan-wook trên MUBI vào đầu năm 2023, ông Bong chia sẻ mình luôn hứng thú với những câu chuyện mang tính xã hội, và ông cũng rất ngưỡng mộ ông Park vì tâm hồn lãng mạn, điều mà chính ông Bong cảm thấy rất xa lạ.
Nhà làm phim gửi thông điệp tới kẻ sát nhân
Ảnh: CJ Entertainment
Trong các tác phẩm của Bong, góc khuất xã hội Hàn Quốc luôn được đề cập. Dù đó là câu chuyện về việc làm ăn hay tội phạm, hình sự, tất cả đều dẫn đến cái nhìn của Bong về xã hội Hàn Quốc.
Năm 2003, Bong Joon-ho gây chấn động Hàn Quốc với bộ phim Hồi Ức Kẻ Sát Nhân (Memories of Murder). Bộ phim dựa trên một vụ án có thật về một kẻ sát nhân hàng loạt phụ nữ và trẻ em, vụ án Hwaseong. Hắn đã sát hại và cưỡng bức 10 nạn nhân trong suốt 5 năm (1986 - 1991), chỉ duy nhất một trường hợp sống sót. Tuy nhiên, cho đến năm 2018, tức hơn 30 năm sau vụ án thì cảnh sát Hàn Quốc mới bắt được hung thủ thực sự.
Lý do bộ phim gây ra cơn sốt phòng vé và truyền thông chính là chi tiết nằm ở cuối phim khi thanh tra Park Doo-man (do Song Kang-ho thủ vai) nhìn thẳng vào ống kính. Trong một cuộc họp báo kỷ niệm 10 năm công chiếu (2013), đạo diễn Bong chia sẻ mình rất thấu hiểu về tâm lý của hung thủ, ông cho đó là một người phô trương, thích xem truyền thông nói gì về mình qua những vụ án. Ông cũng tin là hung thủ sẽ xem bộ phim này, vì thế ông quyết định cho hắn đối mặt với tên thanh tra Park đã thất bại trên màn ảnh vào cuối phim. Trong buổi họp báo ấy, khi Bong yêu cầu mọi người hỗ trợ việc điều tra bằng cách để lại mẫu tóc xét nghiệm ADN thì có một người đột nhiên rời đi.
Bất lực và ăn năn
Ảnh: CJ Entertainment
Nhưng bộ phim không chỉ dành cho “thanh tra” Bong Joon-ho và tên sát nhân, bản thân Hồi Ức Kẻ Sát Nhân là một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh xứng đáng với nhiều giải thưởng lớn trong khu vực, đồng thời nhận được nhiều đánh giá tốt từ các đạo diễn và các nhà phê bình lớn trên khắp thế giới. Vì sao vậy? Ngoài câu chuyện điều tra tội phạm, bộ phim cho khán giả thấy được sự bất lực và ăn năn của cảnh sát Hàn Quốc.
Hồi Ức Kẻ Sát Nhân đặt bối cảnh năm 1986 - 1987, dưới sự lãnh đạo của tổng thống độc tài Chun Doo-hwan vốn xuất thân từ quân đội. Chun Doo-hwan gây ra nhiều tranh cãi liên quan đến phong trào dân chủ “đẫm máu” Gwangju và phong trào dân chủ tháng 6 của sinh viên khi đưa quân đội và cảnh sát đàn áp các cuộc biểu tình. Nguồn cơn các phong trào này nằm ở chính sách mở rộng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc của Chun Doo-hwan trước nguy cơ xâm nhập của Bắc Triều Tiên.
Việc cảnh sát dùng nhục hình khi thẩm vấn người biểu tình dẫn đến thương vong bị che đây. Một hệ thống cảnh sát đã đánh đổi an ninh của quốc gia chỉ để tập trung đàn áp biểu tình.
Ảnh: CJ Entertainment
Khi thẩm vấn nghi phạm, bằng cặp mắt dày dạn kinh nghiệm, thanh tra Park dường như chỉ cần lướt qua đã biết ai là thủ phạm. Anh cũng chẳng ngại ngùng sử dụng biện pháp khắc nghiệt để ép cung.
Ảnh: CJ Entertainment
Nhưng khi “thủ phạm” nhận tội, hồ sơ vụ án sắp đóng, những cái chết vẫn tiếp tục diễn ra. Park chợt nhận ra sai lầm chết người của mình… Khi xé hết danh sách nghi phạm trong quyển sổ, anh đã thực sự đứng trước một bước ngọặt. Điều đó giúp anh và thanh tra Seo có những phát hiện mới, tiệm cận hơn với hung thủ thực sự. Họ tìm ra được nghi phạm đáng ngờ nhất, Park Hyeon-gyu (Park Hae-il thủ vai).
Ảnh: CJ Entertainment
Chính sự xấu hổ và thôi thúc muốn tìm ra sự thật đã dẫn đến sự thay đổi của Park, người mà trước đó chỉ muốn mau chóng giải quyết xong vụ án để có tiếng tăm. Dù Park không bắt được hung thủ, nhưng cũng như chính hệ thống cảnh sát Hàn Quốc lúc bấy giờ, anh đã vỡ ra một sự thật đau đớn vào cuối phim:
“Trông hắn như thế nào?”
“Cũng bình thường, y như chú thôi.”
Một câu chuyện đầy kịch tính được kể thông qua ngôn ngữ điện ảnh sắc bén có phần hài hước của Bong Joon-ho.
Quentin Tarantino, quái kiệt điện ảnh Hollywood đã xếp Hồi Ức Kẻ Sát Nhân vào trong 20 phim ưa thích nhất. Vì thế, chắc chắn giá trị của bộ phim không chỉ nằm ở doanh thu phòng vé hay mảng miếng hồi hộp. Hồi Ức Kẻ Sát Nhân hay là Hồi ức của Bong Joon-ho về một hệ thống an ninh thời kỳ nhiều bóng tối của Hàn Quốc? Có lẽ khán giả sẽ có câu trả lời phù hợp cho mình.