Giúp con nhận thức về không gian riêng tư
Trong thời đại mà sự riêng tư trở thành một giá trị không thể thiếu trong giao tiếp, giúp trẻ sớm có ý thức về không gian riêng tư là điều mà cha mẹ nên chuẩn bị cho con.
- 01
- 02
- 03
Giao tiếp là chìa khóa
Giao tiếp với con bằng sự ân cần, nhẹ nhàng và thấu hiểu sẽ dễ thành công hơn là la mắng, trách móc và đổ lỗi. Hãy nhẹ nhàng chăm sóc thế giới nội tâm của con bạn thay vì nổi cơn thịnh nộ. Một khi đã được con tin tưởng, mọi thứ sễ dễ dàng đi vào quỹ đạo.
Thế nào không gian riêng tư?
Theo Wikipedia: Quyền riêng tư phổ quát là một khái niệm hiện đại chủ yếu gắn liền với văn hóa phương Tây, và hầu như không được biết đến trong một số nền văn hóa cho đến thời gian gần đây. Theo đó, không gian riêng cũng là nơi mỗi cá nhân được là chính mình, được quyền giữ bí mật và không muốn bị xâm phạm bởi người khác như phòng riêng, bàn học, nơi để thư từ, điện thoại cá nhân…
Đưa ra những ví dụ trong đời sống hằng ngày để giúp con hiểu một cách dễ dàng. Chẳng hạn, nếu con muốn mọi người gõ cửa trước khi vào phòng, hãy làm điều tương tự với mọi người. Một khi đã biết con là đứa trẻ luôn dành sự tôn trọng cho người khác, mọi người sẽ dành lại cho con một sự tôn trọng. Khi đó, con bảo vệ được sự riêng tư của mình và của tất cả mọi người.
Con cần hiểu rằng, ai cũng có quyền giữ cho mình một thế giới riêng. Con cũng thế. Con có thế giới của riêng con. Vào một số “khung giờ” nhất định, con mở cổng chào đón mọi người tiến vào bên trong. Thời gian khác, cánh cửa khép lại vì con có những suy tư của riêng mình, và con chưa sẵn sàng chia sẻ cho bất kỳ ai.
Dù bằng cách này hay cách khác, con hãy nhớ, thế giới riêng luôn nằm trong tim mỗi người. Không có sự chào đón của “chủ nhà", cửa nhà không được mở ra bằng bất cứ giá nào. Cũng giống như việc không có sự cho phép của người khác, con không được công khai đăng tải hình ảnh hoặc thông tin cá nhân của họ vậy.
Khi con đã hiểu về sự riêng tư, rất dễ dàng để bạn tiếp tục giúp con hiểu về bảo vệ sự riêng tư cho tất cả mọi người.
Bất kỳ ai muốn biết địa chỉ, số điện thoại, hay tài khoản ngân hàng mà chưa được sự cho phép, bạn hãy khiến con nhớ rằng vào lúc đó, cảnh cổng chưa được mở ra, và đó là những vị khách “không mời mà đến". Đừng áp lực con rằng đó là những kẻ xấu, khiến con hoang mang và sợ hãi. Một khi con hiểu đó là những người không được chào mừng đến với thế giới riêng, con sẽ nhẹ nhàng, tỉnh táo và biết từ chối những vị khách này.
Ngược lại, con cũng không nên tuỳ tiện công khai những thông tin cá nhân của con và gia đình. Hãy giúp con chọn lọc những vị khách nào đủ sự tin tưởng để mời họ đến chơi với thế giới của con.
Giúp con hiểu và vạch ra ranh giới cụ thể những thông tin nào được phép chia sẻ và không được phép chia sẻ. Thế giới người lớn của chúng ta phức tạp hơn thế giới của con trẻ. Để con không mông lung giữa nhiều luồng thông tin mới, bạn cần kiên nhẫn kiểm tra lại cách hiểu và thái độ của con khi đứng trước những câu hỏi từ người lạ.
Các tình huống giả định
Thiết lập một vài tình huống giả định để xem phản ứng, thái độ cũng như cách con xử lý như thế nào. Một điều quan trọng nữa, để hướng dẫn con dựa trên những tình huống cụ thể, bạn phải đủ sức và thật kiên nhẫn nhé. Hãy nhớ rằng, cha mẹ là tấm gương đầu tiên mà con soi chiếu trong cuộc đời. Nếu con xử lý tình huống chưa ổn, hãy nhẹ nhàng ngồi xuống, bình tĩnh cùng con tìm ra nguyên nhân và giải pháp phù hợp.
Hãy sẵn sàng để con mắc lỗi
Như mọi việc học khác, con cần được cọ xát và thực hành liên tục để có thể khắc sâu những nguyên tắc này. Mọi lời trách móc hay la mắng sẽ chỉ khiến con chùn bước và thụt lùi lại phía sau. Bạn hãy sẵn sàng, cứ để cho con mắc lỗi, vì sẽ giúp con hiểu và rút kinh nghiệm nhanh hơn trên hành trình lớn khôn của mình. Luôn bên cạnh động viên và an ủi, trở thành điểm tựa vững chắc cho con.