Gieo Mầm Tình Yêu Đọc Sách Cho Trẻ

“Là cha mẹ, điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm là đọc cho các con nghe thường xuyên ngay từ nhỏ. Đó chính là con đường dẫn đến thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Khi một đứa trẻ biết yêu sách, chúng cũng sẽ biết yêu thương việc đọc.” (Cựu Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ, thủ thư trường học Laura Bush

Hi ENT
15-11-2024
Tóm tắt nội dung
  • 01
  • 02
  • 03
  • 04

Tuổi nào thích hợp để bắt đầu đọc sách cho bé và nên bắt đầu bằng sách gì? 

hi-life-gieo-mam-tinh-yeu-doc-sach-1.jpg

Khi hạt mầm yêu thương của chúng ta kết tinh và mỗi ngày lắng nghe em lớn dần trong mình, ba mẹ có trò chuyện cùng em không? Thật khó có thể ngừng yêu thương một đứa trẻ và trò chuyện cùng con dù con mới chỉ trong bụng mẹ. Chính là vậy, ngay từ thuở ấy, khi ta trao lời thương đầu tiên tới con thì sợi dây kết nối đã được khởi đầu. Con lắng nghe lời mẹ lời cha như uống một suối nguồn trong mát dù con thật chưa hiểu gì đâu.  Do đó bạn có thể đọc sách cho con nghe ngay từ khi con còn trong bụng mẹ. 

Trò chuyện với con về điều gì, đọc cho con nghe sách gì chính là ở bạn. Thế giới muôn triệu sách và việc kể tên một cuốn sách này sẽ lỗi hẹn với những cuốn sách khác. Nhưng chắc chắn, một cuốn sách khiến bạn khóc, cười, phẫn nộ, buồn thương và trỗi lên niềm khao khát về một điều gì đó tốt đẹp hơn là một cuốn sách đáng được đọc thành tiếng cùng con. 

Dĩ nhiên, những câu chuyện giản dị về đời sống, về muôn loài, về thế giới là những điều đáng được sẻ chia đầu tiên. Mỗi câu chuyện về tình yêu thương, sự can đảm, tính kiên trì, lòng tốt… đều có khả năng gieo vào lòng con một lối ứng xử sau này.  

Những thần thoại nuôi dưỡng ước mơ lấp trời vá bể. Những cổ tích gợi mơ ước đi xa và quan niệm ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Những ngụ ngôn nhắc nhủ muôn bài học ở đời. Những câu ca dao tha thiết tâm tình yêu thương buồn giận... Nguồn mạch văn học dân gian, viên ngọc quý từ di sản cha ông cũng sẽ tưới mát tâm hồn các con. Các con cần tất cả chúng ta. 

Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng... 

(Chuyện cổ tích về loài người, Xuân Quỳnh)

Tuổi nào thì nên để con tự đọc?

hi-life-gieo-mam-tinh-yeu-doc-sach-2.jpg

Thường tới khi biết đọc chữ (hết lớp 1) thì các bạn nhỏ sẽ có nhu cầu đọc thành tiếng rồi đọc cho ba mẹ nghe; sau nữa là đọc một mình, đọc thầm.  

Tuy nhiên không có một tuổi nào xác đinh rằng nên để con tự đọc. 

Ngay khi con nhỏ xíu và chưa biết chữ, đã có những cuốn sách hình, sách vải, sách âm thanh cho con tự đọc tự chơi (cả tự… gặm 😉). Trẻ đọc bằng mọi giác quan chứ không chỉ bằng mắt hay bằng lời. Đôi tay con chạm sờ, miệng con nhấm gặm tới … ướt nhẹp. Con đang đọc đấy! Con đọc với tất cả sự say sưa khám phá, với muôn vàn tò mò háo hức cuộc đời mới. Đây là giai đoạn tuyệt diệu mà ba mẹ có thể để con “tự đọc”. Mình chỉ cần chọn lựa “đối tượng đọc” an toàn và vệ sinh để con không gặp nguy hiểm hay nhiễm bệnh là đủ. Cô Moon vừa nhận được 3 cuốn sách vải thơm tho của một người mẹ gửi tặng bởi con của cô đã lớn và bé không dùng tới nữa. Những cuốn sách giặt được, màu sắc và nhẹ êm, lại có thể phát ra âm thanh bíp bíp. Thật yêu phải không nào.  

Dù vậy, dẫu con có thể tự đọc (tuổi nào con cũng có thể tự đọc) thì việc được nghe bố mẹ đọc hoặc được đọc cùng bố mẹ (thành tiếng hay thầm trong lòng) trong một không gian, cùng một thời gian còn nuôi dưỡng con nhiều hơn cả những kiến thức thú vị con tìm được trong sách. Đó là yêu thương êm đềm, là phút giây bên nhau ta biết mình được nâng niu. Kiến thức về cuộc sống có thể bị quên lãng nhưng niềm hạnh phúc được yêu thương chăm chút trọn vẹn sẽ ở mãi trong con.

 

Thời gian đọc sách cho con chừng bao nhiêu thì đủ? 

hi-life-gieo-mam-tinh-yeu-doc-sach-3.jpg

Theo nghiên cứu về quy luật của não bộ thì chừng 15 phút trẻ sẽ mất tập trung và cần thay đổi hoạt động cho phù hợp. Tuy nhiên cũng không có cái gọi là “đủ” chính xác vì thời gian đọc sách còn cộng hưởng với rất nhiều thứ. 

Nếu bạn chú tâm từng giây trong 15 phút ấy và cả hai đều cảm thấy thỏa mãn với câu chuyện, với những hỏi – đáp, những trao – nhận vô hình ngoài cuốn sách (như là một vòng ôm, một cái hít hà, một vỗ về…) thì cuộc đọc có thể đã đạt tới trạng thái đủ.  

Nếu sau 15 phút đọc con vẫn muốn nghe tiếp thì 15 phút ấy hẳn là chưa đủ. Kể cả 45 phút. Kể cả bạn đã khan tiếng và mệt nhoài. À, trường hợp này ta có thể cho mình những quãng nghỉ bằng những câu hỏi để con được nói, được tư duy, được mơ mộng. Việc dừng lại cùng nhau với đôi chi tiết thú vị sẽ khiến cuộc đọc hấp dẫn, chất chơi hơn rất nhiều. Đọc sâu là vậy. 

Còn thì, cái đọc cơ học (chỉ đọc thôi) thường sẽ khiến cả người đọc và người nghe cùng mệt. Và thời gian 15 phút có khi là thừa. Thừa đó, vì cả hai đều muốn chấm dứt ngay cho xong thủ tục. Nhưng thiếu, vì người đọc mới chỉ hoàn tất nhiệm vụ và người nghe chắc chắn trống rỗng. lâu dài sẽ dẫn đến trơ lì và chán ngán việc đọc. Kiểu này rất nguy hiểm. Tốt nhất, nếu bạn biết rằng mình không thể dành ra dù chỉ 5 phút đọc toàn tâm toàn ý cho con thì bạn có thể dành cho việc khác thú vị hơn với cả hai thay vì đọc (chỉ do người ta bảo đọc sách là nên). 

Thời điểm nào trong ngày phù hợp với việc đọc sách cùng con? 

hi-life-gieo-mam-tinh-yeu-doc-sach-4.jpg

Thời điểm nào cũng có thể phù hợp với việc đọc sách cùng con nếu lúc ấy cả hai mẹ con/ cha con/ bà cháu/ ông cháu/ chị em/ anh em… cùng có thể dành thời gian cho nhau trọn vẹn.  

Chúng ta thường được khuyên đọc vào trước giờ đi ngủ và khi mới thức dậy, những khoảnh khắc trong ngày mà chúng ta có thể dành thời gian cho nhau trọn vẹn hơn, chỉ có ta với ta, khép lại ngày cũ hay mở ra ngày mới. Tuy nhiên, thời điểm phù hợp nhất với bạn thì chỉ bạn mới có thể rõ ràng. 

Chắc chắn một điều rằng, hãy sắp xếp để đó là thời điểm chúng ta có thể toàn tâm toàn ý cho nhau và ít bị xao lãng nhất.

Tin liên quan