Anh Là Ai Tôi Là Ai - Những mẫu hình tâm lý
Review ngắn về một cuốn sách quan trọng của nhà phân tâm học Carl Gustav Jung, giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc xoay quanh tính cách hướng nội và hướng ngoại.
- 01
Bạn đã từng nghe cụm từ “hướng nội” hay “hướng ngoại” để diễn tả tính cách của một người khép kín hay cởi mở. Nhưng những cụm từ ấy đến từ đâu?
Đó là những khái niệm được đặt ra bởi cha đẻ của ngành tâm lý học phân tích, bác sĩ Carl Gustav Jung, lần đầu được nhắc đến trong trước tác của ông - Anh là ai tôi là ai (tên gốc: Psychological Types).
Trong cuốn sách này, Carl Jung đưa ra những khái niệm về các mẫu hình tâm lý tiêu biểu phân loại dựa trên hai thái độ điển hình và bốn chức năng. Hai thái độ là hướng nội và hướng ngoại. Bốn chức năng là tư duy, cảm xúc, cảm giác, trực giác.
Với kiểu thái độ điển hình, Carl Jung phân biệt qua thái độ cụ thể của con người với đối tượng:
“Thái độ của người hướng nội với đối tượng là một thái độ chiết tách. Về bản chất, họ luôn phải đối mặt với vấn đề: làm thế nào để dục năng libido không khởi lên trước đối tượng, nghĩa là phải liên tục chống lại hoặc làm mất tác dụng thôi miên của đối tượng. Ngược lại, người hướng ngoại duy trì một liên hệ tích cực với đối tượng. Họ coi trọng đối tượng đến mức luôn để nó dẫn dắt và ràng buộc thái độ chủ quan của mình. Đối với họ, đối tượng luôn có tầm quan trọng tột bậc. Song về bản chất, đối tượng không bao giờ có giá trị đến mức đấy.”*
Những cặp thái độ và các cặp chức năng là những cặp đối trọng nhau (như hướng nội - hướng ngoại, tư duy - cảm xúc, cảm giác - trực giác), chúng kết hợp với nhau tạo ra những mẫu hình tâm lý. Tuy vậy, một con người không hoàn toàn chỉ mang một mẫu hình tâm lý duy nhất.
“Jung cho rằng bản ngã có một xu hướng di truyền bẩm sinh thích một loại hình kết hợp giữa thái độ và chức năng, và dựa một cách thứ yếu vào một kết hợp bổ sung khác để tạo sự cân bằng, với một loại hình thứ ba hay thứ tư ít được sử dụng hơn và kết quả là gần như không có hay rất ít phát triển.”**
“Thông thường, một trong hai chức năng chủ yếu này là hướng ngoại và chức năng còn lại là hướng nội, chức năng hướng ngoại dẫn đến việc diễn giải thực tế bên ngoài và chức năng hướng nội cung cấp thông tin về những gì đang diễn ra bên trong. Bản ngã sử dụng các công cụ này để kiểm soát và chuyển đổi cả thế giới bên ngoài và nội tâm trong khả năng tốt nhất của nó.”***
Với Anh là ai tôi là ai, bạn đọc có thể nhận diện mẫu hình tâm lý của chính bản thân mình và những người khác. Điều đó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những hoạt động của tâm lý con người, cũng là để tôn trọng sự khác biệt về mặt nhân cách.
“Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người”
Rất khó khăn để chúng ta có thể hiểu được chính bản thân mình, huống chi là người khác. Carl Jung, hay tiền nhân Sigmund Freud, đã dũng cảm “lấy thước mà đo lòng người”. Những công trình như vậy đã giúp chúng ta đỡ trôi lăn trong sự vô minh. Cũng như ông đã viết lời kết cho cuốn sách: “Nhờ hiểu về vô thức, chúng ta có thể giải thoát mình khỏi sự chi phối của nó”.
—
*Carl Gustav Jung, Anh là ai tôi là ai, tr.12
**Murray Stein, Bản đồ tâm hồn con người của Jung, tr.74.
***Murray Stein, Bản đồ tâm hồn con người của Jung, tr.77.