8 Loại Cây Cảnh Trong Nhà Tốt Cho Sức Khỏe
Cây kiểng giờ đây ngày càng trở nên phổ biến trong không gian nội thất khi hoạt động chăm sóc cây kiểng cũng góp phần mang lại tác động xoa dịu tinh thần trong đời sống hiện đại đầy bận rộn và thiếu vắng nhịp thở của thiên nhiên.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy việc chăm sóc cây kiểng quả thật có thể làm giảm stress và lo âu, khiến cho nó trở thành một phương pháp trị liệu có giá trị - thường được gọi là liệu pháp làm vườn. Nhưng ngoài những lợi ích về cảm xúc, cây kiểng trong nhà thực chất cũng mang lại lợi ích cho sức khỏe thể chất của chúng ta thông qua cải thiện chất lượng không khí.
- 01
- 02
Công trình mang tên Nghiên cứu Không khí Sạch của NASA năm 1989 đã phát hiện ra rằng một số loại cây có thể loại bỏ độc tố khỏi không khí thông qua quang hợp. Những cây này không chỉ hấp thụ khí carbonic (CO2) mà còn loại bỏ các hóa chất có hại, giúp môi trường trong nhà của ta được lành mạnh hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ điểm qua tám loại cây kiểng trong nhà nổi tiếng về lợi ích sức khỏe, tìm hiểu tác động của chúng với không gian xung quanh và các thủ thuật chăm sóc để giúp chúng tươi tốt.
Lan Ý
Cây Lan Ý (tên khoa học là Spathiphyllum wallisii) có nguồn gốc từ Trung Mỹ và mang khá nhiều tên gọi thông dụng: cây huệ hòa bình, bạch môn, bạch hạc hay vỹ hoa trắng. Cây có thân cỏ, rất dễ phát triển và là cỗ máy lọc không khí tuyệt hảo với những chiếc lá rộng màu xanh đậm và hoa trắng thanh lịch.
Lợi ích về sức khỏe: Lan ý có thể giúp loại bỏ khí carbonic (CO2) và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) như formaldehyd từ không khí, giúp cải thiện chất lượng không khí trong nhà.
Cách chăm sóc: Đặt cây lan ý ở nơi ánh sáng trung bình hoặc tối, giữ cho đất ẩm nhưng không bị úng nước. Hãy thận trọng với trẻ em và thú cưng vì chúng chứa canxi oxalate, có thể gây kích ứng đường tiêu hoá và hô hấp nếu ăn vào nhiều.
Trầu Bà Vàng
Trầu bà vàng (tên khoa học là Epipremnum aureum) được biết đến với những chiếc lá quen thuộc hình trái tim và thân giống như dây nho, khiến cho nó trở thành một nét điểm xuyết hấp dẫn trong bất kỳ không gian nào.
Lợi ích sức khỏe: Trầu bà vàng là chiếc máy lọc không khí tự nhiên, giảm mức ozone trong nhà và loại bỏ một cách hiệu quả các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi như formaldehyd.
Cách chăm sóc: Cung cấp ánh sáng gián tiếp ở mức trung bình đến cao và hãy để cho đất khô một phần trước khi tưới. Nhớ cắt tỉa những chiếc lá và thân bị úa màu hoặc héo.
Cây Lan Chi
Lan chi hay thảo lan chi (Chlorophytum comosum) còn được gọi là cây nhện (spider plant), lục thảo trổ, cỏ mệnh môn, luyến khách, đặc trưng bởi những chiếc lá dài, hẹp và nổi tiếng về khả năng thanh lọc không khí.
Lợi ích sức khỏe: Cây lan chi có thể hoá giải nhiều độc tố từ không khí trong nhà, bao gồm formaldehyd, ôxít nitơ, carbonic, ozone và các hóa chất trong khói thuốc lá.
Cách chăm sóc: Lan chi phát triển mạnh trong điều kiện ánh sáng gián tiếp từ trung bình đến cao và cần được tưới khi lớp trên cùng của đất khô lại.
Lưỡi Hổ
Lưỡi hổ (Sansevieria trifasciata), còn được gọi là lưỡi hổ xanh, hổ vĩ, hổ thiệt, có lá dài, giống như lưỡi kiếm và rất hiệu nghiệm trong việc thanh lọc không khí.
Lợi ích sức khỏe: Những chậu cây này có thể loại bỏ các độc tố như benzen, formaldehyd và trichloroetylen trong không khí một cách hiệu quả, mà đã được xác nhận bởi nghiên cứu khoa học của NASA.
Cách chăm sóc: Cây lưỡi hổ thích ánh sáng ấm áp, gián tiếp và ta nên để cho đất khô trước khi tưới.
Cau Kiểng
Cau kiểng (Chamaedorea seifrizii), còn gọi là cau vàng, cau tiểu trâm hay cọ lá tre, có những chiếc lá lược thanh mảnh, giống như lông vũ.
Lợi ích sức khỏe: Những chậu cau kiểng này rất hữu hiệu trong việc loại bỏ formaldehyd, benzen và TCE (trichloroethylene) trong không khí, theo nghiên cứu của NASA.
Cách chăm sóc: Cau kiểng đòi hỏi ánh sáng gián tiếp mạnh và cần được tưới khi hầu hết đất đã khô, và tránh tưới nước dư thừa.
Thiết Mộc Lan
Thiết mộc lan (Dracaena fragans), còn được gọi là phất dụ thơm hay phát tài, đặc trưng bởi những chiếc lá mọc thẳng lên trên và là những chiếc máy lọc không khí hiệu quả.
Lợi ích sức khỏe: Thiết mộc lan có thể lọc bỏ các độc tố như TCE, benzen và formaldehyd một cách hiệu quả trong không khí tại nhà.
Cách chăm sóc: Thiết mộc lan phát triển mạnh trong nhiều điều kiện ánh sáng khác nhau, và cần được tưới khi đất đã khô một phần.
Dương Xỉ
Dương xỉ (fern) có nhiều loại và có nét đặc trưng là những chiếc lá xum xuê, tươi tốt.
Lợi ích sức khỏe: Một số dương nhất định, như dương xỉ hoàng gia, rất hiệu nghiệ trong việc loại bỏ formaldehyd trong không khí. Dương xỉ Boston thì nổi trội trong việc lọc khí carbonic.
Cách chăm sóc: Dương xỉ thích môi trường ẩm và ánh sáng yếu. Hãy giữ đất ẩm và thường xuyên tưới phun sương.
Đa Búp Đỏ
Đa búp đỏ (Ficus elastica), còn gọi là đa cao su, đa cẩm thạch, có lá lớn và bóng đẹp, phát triển rất nhanh.
Lợi ích sức khoẻ: NASA đã có hai công trình nghiên cứu cho thấy cây đa búp đỏ có thể loại trừ hữu hiệu độc tố dưới dạng các chất hữu cơ dễ bay hơi trong không gian nội thất.
Cách chăm sóc: loại cây kiểng này có thể sống tốt bên trong nhà lẫn ngoài hiên nhà, chịu được nắng lẫn bóng râm và chịu được khô hạn. Tuy nhiên, nhớ đảm bảo đất có thể thoát nước tốt.
Các Lợi ích Khác Về Sức Khỏe Của Cây Kiểng Trong Nhà
Trong quá trình quang hợp, cây kiểng sẽ hấp thụ khí carbonic trong không khí và thải ra ôxy, làm tăng hàm lượng ôxy trong nhà. Đồng thời, cây kiểng cũng hấp thụ một số hoá chất trong không khí (thải ra từ khói thuốc và các vật liệu gia dụng như sơn, các loại vécni, vật liệu sàn… và chuyển hoá chúng, hoặc tích hợp vào trong mô của chúng, theo nghiên cứu.
Ngoài khả năng cải thiện chất lượng không khí, cây kiểng trong nhà còn mang lại một số lợi ích sức khỏe khác:
Giảm căng thẳng: Sống trong môi trường xanh tươi hơn sẽ giúp ta giảm nguy cơ trầm cảm, rối loạn lo âu, huyết áp và bệnh tim mạch. Việc chăm sóc cây kiểng cũng giúp làm giảm stress.
Cải thiện sự tập trung: Việc tiếp xúc với cỏ cây cũng giúp tăng cường sự chú ý và tập trung, khiến chúng trở nên yếu tố lý tưởng cho không gian làm việc hoặc học tập, thậm chí đối với cả trẻ em mắc chứng tăng động, giảm chú ý (ADHD).
Tăng độ ẩm: Cây kiểng trong nhà làm tăng độ ẩm, mang lại lợi ích cho cả cây kiểng lẫn hệ hô hấp của ta bằng cách giúp ngăn chặn các màng nhầy không bị khô, duy trì khả năng chống nhiễm khuẩn, virus và các tác nhân dị ứng.
Nếu chưa có kinh nghiệm chăm sóc cây kiểng, hãy tham vấn tại các cửa hàng để lựa chọn cây kiểng phù hợp với không gian bạn. Nên bắt đầu với các loại cây kiểng ít cần chăm sóc và dần dần mở rộng bộ sưu tập khi đã có thêm kiến thức và sự tự tin. Hãy nhớ rằng cây kiểng giúp ta có một bầu không khí dễ chịu, và có lợi cho sức khoẻ thể chất lẫn tinh thần.
#HiLife #HiHome #8loaicaykiengtrongnha #suckhoe
#LanY #Traubavang #Caylanchi #Luoiho